10h20 ngày 7/5, đại lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ khép lại sau khoảng 2 tiếng diễu binh diễu hành của hơn 12.000 người từ 40 khối quân binh chủng và đoàn thể.
10h00
Các chiến sĩ chia tay người dân Điện Biên
Khép lại gần 3 tiếng diễu binh diễu hành ở cuối đường Võ Nguyên Giáp, nhóm nữ quân nhạc đã cùng người dân nắm tay nhau múa điệu xòe hoa. Một số em bé được bố mẹ cho chụp ảnh với chiếc xe thồ mô phỏng của binh đoàn dân công hỏa tuyến huyền thoại 70 năm trước.
Khi các chiến sĩ lên ôtô ra về, người dân vẫy tin chào tạm biệt.
Người dân chia tay đoàn diễu binh diễu hành. Ảnh: Phạm Chiểu
9h50
Người dân bắt tay các chiến sĩ đội hậu cần
Đi bên cạnh đoàn diễu binh diễu hành là đội hậu cần khoảng 5-7 người làm nhiệm vụ dẹp đường, xử lý sự cố cho đoàn. Khi đội hậu cần đi qua, người dân hai bên đường, đặc biệt là các em nhỏ trong trang phục áo cờ đỏ sao vàng vui vẻ bắt tay chú bộ đội.
Người dân bên đường bắt tay đội hậu cần phục vụ diễu binh diễu hành. Ảnh: Phạm Chiểu
09h50
Khối dân sự diễu hành trên đường phố
Sau khi đi qua di tích đồi A1, quảng trường 7/5, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, khối phụ nữ, khối các dân tộc Tây Bắc đến gần cuối đường Võ Nguyên Giáp. Người dân đứng hai bên chào đón đoàn diễu hành.
Người dân chào đón đoàn diễu hành. Ảnh: Ngọc Thành
9h35
Các khối nghi trượng và đội hình diễu binh, diễu hành trên đường
Đội diễu binh đi trên đường. Ảnh: Ngọc Thành
9h30
Các quân binh chủng chia làm ba ngả diễu binh qua các di tích
Sau khi rời sân vận động tỉnh Điện Biên, 40 khối đi đầu là xe mô hình Quốc huy, đi cuối là khối nghệ thuật lần lượt diễu binh, diễu hành qua một km đường Hoàng Văn Thái. Đến ngã tư Hoàng Văn Thái – Võ Nguyên Giáp, các quân binh chủng chia làm ba đoàn.
Một đoàn rẽ phải qua các di tích đồi A1, quảng trường 7/5, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Một đoàn đi thẳng về cầu Mường Thanh. Đoàn còn lại rẽ trái đi qua Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
9h10
Khối nữ quân nhạc diễu hành trên đường Hoàng Văn Thái
Đây là lần đầu tiên khối nữ quân nhạc xuất hiện trong lễ diễu binh, diễu hành. Một số nữ chiến sĩ phải mang các nhạc cụ như kèn nặng 14-18 kg.
9h00
Khối thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tiến vào lễ đài
Thanh niên xung phong do Đảng, Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo thành lập. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã có gần 20.000 thanh niên xung phong tham gia mở đường, vận tải vũ khí, khí tài, lương thực, thương bệnh binh, rà phá bom mìn trên các trọng điểm ác liệt. Hơn 8.000 thanh niên xung phong chuyển sang các đơn vị Quân đội để đáp ứng yêu cầu Chiến dịch, sát cánh cùng bộ đội trên các mặt trận, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khối Dân công hỏa tuyến. Ảnh: Giang Huy
Khối Dân công hỏa tuyến tiến vào lễ đài. Đáp lời Bác Hồ kêu gọi: “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”, 30.000 nam thanh, nữ tú xung phong vào Dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ để mở đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thương bệnh binh, lập nên những chiến công oanh liệt.
Khối Công nhân tiến vào lễ đài. Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nền tảng của khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức, trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt, tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giai cấp công nhân nước ta luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, kiên định về mục tiêu, lý tưởng, không ngừng lớn mạnh, hiện đại, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng, kỷ luật lao động thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế hội nhập quốc tế.
Khối Nông dân tiến vào lễ đài. Nông dân có vai trò quan trọng trong quá trình khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi, lập nên non sông đất nước Việt Nam; có chí khí anh hùng, không sợ gian khổ, hy sinh, dấn thân trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, trong đó có Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày nay, nông dân là cơ sở, là lực lượng nòng cốt xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Khối đại biểu của tầng lớp Trí thức cách mạng tiến vào Lễ đài. Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa và bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Khối đại biểu Thanh niên Việt Nam tiến vào Lễ đài. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thanh niên Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hàng triệu thanh niên ưu tú đã tình nguyện xung phong ra chiến trường, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày nay, các thế hệ Thanh niên Việt Nam ra sức thi đua rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, tình nguyện, phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ tri thức, đạo đức cách mạng; xung kích, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Khối phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Giang Huy
Khối đại biểu Phụ nữ Việt Nam tiến vào lễ đài. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến, đóng góp to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc, tạo dựng nên truyền thống vẻ vang “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có hàng vạn phụ nữ hăng hái tham gia dân quân, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, góp phần để có một Điện Biên “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Khối các dân tộc Tây Bắc tiến vào lễ đài. Tây Bắc là khu vực rộng lớn, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tây Bắc là địa bàn cư trú của trên 20 dân tộc anh em. Từ bao đời nay, nhân dân các dân tộc Tây Bắc luôn nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống đoàn kết trong đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tây Bắc là hậu phương vững chắc, là căn cứ hậu cần trực tiếp. Quân và dân các dân tộc Tây Bắc đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của, cùng với quân và dân cả nước giành chiến thắng lịch sử ngày 7/5/1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Khối Văn hóa nghệ thuật. Ảnh: Giang Huy
Cuối cùng là Khối Nghệ thuật tiến vào lễ đài. Trong suốt chặng đường đấu tranh lâu dài và gian khổ của dân tộc, lớp lớp văn nghệ sĩ đã sát cánh dưới lá cờ vinh quang của Đảng, cống hiến quên mình, góp phần làm nên những thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đội ngũ văn nghệ sỹ đã có mặt trên các chiến trường ác liệt nhất, đến từng chặng hành quân, từng trận địa pháo, từng chiến hào và trạm xá, sát cánh cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong để biểu diễn cổ vũ, động viên góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
8h58
Nữ sĩ quan cảnh sát giao thông, nam sĩ quan phòng cháy – chữa cháy tiến vào lễ đài
Đang tiến vào Lễ đài là Khối nữ sĩ quan Cảnh sát Giao thông. Từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đội Công an chỉ đường, Đội Công an kiểm tra xe tải, Đội tuần tra kiểm soát trên sông là các tổ chức tiền thân của lực lượng Cảnh sát giao thông đã bảo đảm an toàn các tuyến giao thông – vận tải quan trọng, vận chuyển hàng hóa, lương thực, vũ khí, đạn dược; phối hợp bảo vệ đồng bào đi sơ tán, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng Cảnh sát giao thông hôm nay vẫn đang ngày đêm có mặt trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Theo sau là Khối nam sĩ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy & cứu hộ, cứu nạn. Trải qua gần 63 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã luôn chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, dũng cảm chiến đấu, hy sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc với “giặc lửa” để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Ngày nay, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được xây dựng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Khối nam sĩ quan Cảnh sát cơ động tiến vào lễ đài. Ra đời trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt, Cảnh sát Bảo vệ, nay là Cảnh sát cơ động đã trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển. Có tính cơ động rất cao, Cảnh sát cơ động luôn có mặt ở các điểm nóng, phức tạp về an ninh, trật tự; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, kịp thời giải quyết các tình huống đột xuất, phức tạp; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước; xứng đáng là “quả đấm thép” của lực lượng Công an nhân dân trong đấu tranh trấn áp tội phạm.
Khối nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm. Ảnh: Giang Huy
Khối nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm tiến vào lễ đài. Các chiến sĩ nữ Cảnh sát đặc nhiệm luôn cố gắng rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền an ninh, trật tự của Tổ quốc. Các nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm đã tham gia nhiều chuyên án đấu tranh trấn áp tội phạm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; xứng danh là những “bông hồng thép” kiên cường, mạnh mẽ nhất trong rừng hoa của lực lượng Công an nhân dân.
Khối nam chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm . Ảnh: Giang Huy
Khối nam chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm tiến vào lễ đài. Đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động nhanh để đấu tranh ngăn chặn, trấn áp kịp thời các loại tội phạm khủng bố, không tặc, bắt cóc con tin, truy bắt các đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm. Cảnh sát đặc nhiệm luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên quyết tấn công trấn áp các loại tội phạm, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc trên mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Khối Cảnh sát cơ động Kỵ binh. Ảnh: Giang Huy
Khối Cảnh sát cơ động Kỵ binh tiến vào lễ đài. Mới được thành lập, song Cảnh sát cơ động kỵ binh đã chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và mau chóng trưởng thành. Cảnh sát cơ động kỵ binh đã tham gia và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ tuần tra, diễu hành tại các thành phố, điểm du lịch, các sự kiện quan trọng của đất nước và các sự kiện mang tầm quốc tế. Sự xuất hiện của Cảnh sát cơ động kỵ binh đã mang đến cảm giác thân thiện, thanh bình, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam và lực lượng Công an nhân dân trong Nhân dân và bạn bè quốc tế.
Khối Hồng kỳ đang tiến vào Lễ đài. Đây là biểu tượng sức mạnh của đất nước Việt Nam hôm nay, phát huy truyền thống cách mạng, hào khí anh hùng của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Với khát vọng phát triển, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tiến vào Lễ đài là Khối Cựu chiến binh Việt Nam. Cựu chiến binh Việt Nam đã có những năm tháng chiến đấu oanh liệt, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Cựu Chiến binh Việt Nam tiếp tục đem sức lực, trí tuệ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; nuôi dạy con cháu thành đạt; động viên, giúp đỡ đồng đội, là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xứng đáng với 8 chữ vàng: “Trung thành – Đoàn kết – Gương mẫu – Đổi mới”.
8h55
Khối Cảnh sát biển và nữ sĩ quan quân y tiến vào lễ đài
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn; quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển. Cảnh sát biển có nhiệm vụ đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, lập nên truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khối nữ sĩ quan Quân y đang tiến vào Lễ đài. Cùng với đội ngũ thầy thuốc Quân y, các nữ sĩ quan Quân y có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất, vừa chiến đấu, vừa cấp cứu, điều trị thương, bệnh binh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ và các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.
Khối Lực lượng Tác chiến không gian mạng ra đời trong thời kỳ khoa học công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Lực lượng này không ngừng phát triển, lớn mạnh; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các ban, bộ, ngành và địa phương đấu tranh với các thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an toàn tuyệt đối hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng, hệ thống thông tin trọng điểm quốc gia, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Tiếp theo là khối Nữ lực lượng gìn giữ hoà bình của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong hành trình 10 năm xây dựng, trưởng thành, lực lượng gìn giữ hòa bình luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam với bè bạn năm châu, đồng nghiệp quốc tế và người dân địa phương.
Khối chiến sĩ Lục quân. Ảnh: Giang Huy
Khối chiến sĩ Lục quân ra đời trong phong trào cách mạng sục sôi, góp phần to lớn trong các chiến dịch quan trọng, lập nên nhiều chiến công hiển hách, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mang tính chất quyết định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; trong xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc.
8h52
Khối sĩ quan Đặc công, chiến sĩ đặc nhiệm tiến vào lễ đài
Với truyền thống “Đặc biệt tinh nhuệ, Anh dũng tuyệt vời, Mưu trí tạo bạo, Đánh hiểm, thắng lớn”, Bộ đội Đặc công đã làm cho quân thù kinh hồn, bạt vía, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của các cuộc đấu tranh, thống nhất đất nước. Ngày nay, Bộ đội Đặc công ra sức rèn luyện, nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, xứng đáng với truyền thống Đơn vị 2 lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khối chiến sĩ Đặc nhiệm Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Giang Huy
Khối chiến sĩ Đặc nhiệm tiến vào lễ đài, là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt; huấn luyện, rèn luyện đặc biệt, để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt. Phát huy những chiến công vẻ vang của Tình báo Quốc phòng Việt Nam, chiến sĩ đặc nhiệm luôn mài sắc ý chí, ngày đêm luyện rèn, tinh thông nghiệp vụ, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; xứng đáng là lực lượng đặc biệt tin cậy, tuyệt đối trung thành của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tiếp theo là Khối nữ Dân quân các dân tộc Tây Bắc. Nêu cao tinh thần yêu nước, nữ Dân quân các dân tộc Tây Bắc không quản ngại gian khổ, hy sinh, tích cực tham gia kháng chiến, chăm nuôi bộ đội, thương binh, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, làm đường giao thông. Cùng với phụ nữ cả nước, họ đóng góp hơn 2 triệu ngày công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ góp phần làm nên kỳ tích: “Rực trời đất Điện Biên toàn thắng”, kết thúc Cuộc kháng chiến ba nghìn ngày không nghỉ.
Khối Nữ Du kích miền Nam. Ảnh: Giang Huy
Khối nữ Du kích miền Nam tiến vào lễ đài. Hình ảnh những “Cô Ba dũng sĩ” cổ đeo khăn rằn, đội nón tai bèo, bám xóm, bám ấp, đánh giặc mọi lúc, mọi nơi, căng kéo, phân tán địch ra nhiều nơi, góp phần cùng với quân, dân cả nước làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Phát huy truyền thống ái quốc sắt đá, sục sôi ý chí “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã phát huy vai trò quan trọng trong cả 3 mũi giáp công: Quân sự, chính trị và binh địch vận, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Xe Chỉ huy, xe Tổ Cờ truyền thống Công an tiến vào lễ đài. Dẫn đầu là xe chỉ huy của đồng chí Thiếu tướng Lê Văn Hà, Phó tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tiếp theo là Tổ Cờ truyền thống của lực lượng Công an nhân dân. Lực lượng Công an nhân dân mưu trí, sáng tạo, đập tan mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng và các cơ quan đầu não của ta, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân ngày càng lớn mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng là “Thanh bảo kiếm” sắc bén bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Khối nam sĩ quan An ninh nhân dân tiến vào lễ đài. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng An ninh nhân dân đã nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, gắn bó mật thiết và huy động sức mạnh của Nhân dân, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động tình báo, gián điệp, bảo vệ an toàn chính quyền cách mạng non trẻ.
Lực lượng An ninh nhân dân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng, hy sinh thầm lặng, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia; vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khối nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Ảnh: Giang Huy
Theo sau là Khối nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là lực lượng trực tiếp chiến đấu trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc. Lực lượng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày nay, lực lượng Cảnh sát nhân dân ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới.
8h50
Khối nữ Quân nhạc Việt Nam
Khối nữ Quân nhạc Việt Nam cùng với những âm thanh hùng tráng, ngân vang, đang tiến vào Lễ đài. Ảnh: Giang Huy
Khối nữ Quân nhạc Việt Nam cùng với những âm thanh hùng tráng, ngân vang, đang tiến vào Lễ đài. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, những âm thanh hào hùng của các chiến sĩ Quân nhạc đã góp phần cổ vũ, động viên, thúc giục toàn quân ta hăng hái, vững bước tiến lên phía trước, chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Ngày nay, những âm thanh hùng tráng đó đang cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khối chiến sĩ Điện Biên. Ảnh: Giang Huy
Theo sau là Khối chiến sĩ Điện Biên, với các Đại đoàn: 308 – Quân Tiên phong, Đại đoàn 312 – Chiến thắng, Đại đoàn 316 – Bông Lau, Đại đoàn 304 – Vinh Quang, Đại đoàn Công pháo 351 và Trung đoàn Pháo cao xạ 367, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ; nòng cốt để xây dựng các Quân đoàn chủ lực, lực lượng Pháo binh, Công binh, Phòng không của Quân đội ta.
Tiếp theo, Khối sĩ quan Lục quân và Hải quân tiến vào lễ đài. Trong suốt chặng đường đấu tranh cách mạng, lực lượng Lục quân đã lập nên những chiến công hiển hách, từ Phai Khắt, Nà Ngần đến Điện Biên Phủ, từ Núi Thành – Plâyme đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo sau là Khối sĩ quan Hải quân nhân dân Việt Nam. Trải qua gần 70 năm xây dựng, trưởng thành, Hải quân nhân dân Việt Nam được tôi luyện, phát triển, ngày càng lớn mạnh, chiến đấu, chiến thắng vẻ vang, lập nhiều chiến công xuất sắc, đặc biệt xuất sắc, làm nòng cốt quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa, xây đắp nên truyền thống: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến, quyết thắng”, được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khối sĩ quan Phòng không – Không quân tiến vào lễ đài. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội Phòng không bắn rơi 52 máy bay Pháp. Tháng 12/1972, bộ đội Phòng không – Không quân cùng quân và dân miền Bắc bắn rơi 82 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – tiêu biểu cho khí phách anh hùng và tầm cao trí tuệ Việt Nam, xứng đáng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khối sĩ quan biên phòng. Ảnh: Giang Huy
Tiếp theo, Khối sĩ quan Biên Phòng tiến vào lễ đài. Trong suốt 65 năm qua, Bộ đội Biên phòng luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng. Bộ đội Biên phòng cũng luôn ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng là đơn vị hai lần được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân.
8h45
Lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu
Lực lượng diễu binh gồm 4 khối nghi trượng, 24 khối quân đội, dân quân tự vệ, công an. 9 khối diễu hành gồm cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân, nông dân, tri thức, thanh niên, phụ nữ, khối các dân tộc Tây Bắc, khối nghệ thuật. Tổng cộng 12.000 người tái hiện khí thế của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm trước.
Đi đầu đội hình là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc huy được đặt trên biểu tượng rồng thiêng đang vươn mình bay lên, thể hiện cho khát vọng dân tộc Việt Nam. 54 trai tài, gái giỏi hộ tống Quốc huy, tượng trưng cho khối đại đoàn kết 54 dân tộc.
Xe rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Giang Huy
Khối diễu hành Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến vào Lễ đài. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã mở đường, chỉ lối và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong đó có chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Xe mô hình biểu tượng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Giang Huy
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham Mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy, dẫn đầu các khối đại diện cho lực lượng Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ đang tiến vào Lễ đài.
Khối Quân kỳ do đồng chí Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham Mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy. Ảnh: Giang Huy
Trên Quân kỳ quyết chiến, quyết thắng tung bay lấp lánh những tấm Huân chương cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng, xứng đáng với truyền thống: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, xứng đáng là Quân đội Anh hùng của dân tộc Anh hùng”.
Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
8h40
Người dân hào hứng xem máy bay trình diễn
8h30
Máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc xuất phát
8h30, ba biên đội 11 trực thăng thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân mang theo cờ Tổ quốc và cờ Đảng xuất phát, tiến đến sân vận động.
Trực thăng mang cờ Đảng.
Ảnh: Phạm Chiểu
8h30
Trời tạnh mưa, trực thăng rời sân bay
8h30, trời tạnh mưa, hửng sáng. Ba biên đội 11 trực thăng thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân mang theo cờ Tổ quốc và cờ Đảng bay ngang qua sân vận động. Lần đầu trực thăng bay biểu diễn trở thành điểm nhấn của lễ diễu binh diễu hành.
Từ sân bay Điện Biên Phủ, đội trực thăng bay ngang qua dòng Nậm Rốm, qua di tích đồi A1 – một trong 49 cứ điểm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trước khi tới sân vận động. Người dân ở dưới phấn khích vẫy cờ, ghi lại những hình ảnh đáng nhớ.
8h20
Trực thăng chuẩn bị trình diễn
Từ sân bay Điện Biên Phủ, dàn 11 trực thăng mang cờ Tổ quốc, cờ Đảng chuẩn bị cất cánh hướng về sân vận động tỉnh Điện Biên.
8h10
Trời ngớt mưa, người dân đổ ra đường ngày càng đông
Mưa giảm, trời hửng sáng. Lực lượng cơ động bố trí thêm người giữ an ninh khi người dân đổ đến chật kín ngã tư Hoàng Văn Thái – Võ Nguyên Giáp. Nhiều người trèo lên cây chọn chỗ cao để xem cho dễ.
Chị Trần Thị Đào, nhà ở TP Điện Biên Phủ, chia sẻ rất nhiều lần xem lễ diễu binh mừng chiến thắng, nhưng năm nay lớn nhất. “Tôi đã ra đây từ 4h sáng. Mưa to hơn nữa chúng tôi cũng đợi xem diễu binh đến cùng”, chị nói.
7h55
Thủ tướng: Chiến thắng Điện Biên là đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn biết ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung Quốc, các nước Liên Xô cũ, các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới; đặc biệt là các nước Lào, Campuchia anh em trong liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương.
Ông cho rằng Chiến dịch là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ; là thắng lợi của tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”; là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đây “là sự kiện trọng đại, bản anh hùng ca thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Chiến thắng này càng làm sáng ngời chân lý Chiến tranh xâm lược của Đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Giang Huy
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng dân, của lương tri và phẩm giá con người, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo; bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Theo Thủ tướng, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là: xác định đường lối kháng chiến đúng đắn, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc; phát huy tinh thần yêu nước và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
“Đây cũng là chiến thắng bằng tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường; xác định đúng đường lối chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam; củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh công nhân – nông dân – trí thức”, ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Ảnh: Giang Huy
7h50
Trẻ em, cựu chiến binh đội mưa chờ xem diễu binh
Trong sân vận động, khi Thủ tướng đọc diễn văn mừng kỷ niệm, ở các cung đường nơi đoàn diễu binh đi qua, người dân, cựu chiến binh đội áo mưa đứng kín hai bên vỉa hè chờ theo dõi.
Ảnh: Phạm Chiểu
7h45
Dàn lựu pháo kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ khai hỏa
7h44, dàn lựu pháo 105 mm đặt tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khai hỏa 21 phát đạn. Tiếng pháo lễ hòa cùng tiếng mưa rào. Lễ diễu binh diễu hành chính thức bắt đầu.
70 năm trước, trận địa lựu pháo 105 mm đặt trên các sườn núi bao quanh lòng chảo Mường Thanh khi khai hỏa đã khiến quân Pháp bất ngờ, là một trong những yếu tố then chốt làm nên thắng lợi chiến trường Điện Biên Phủ.
“Tôi cảm tưởng như nghe tiếng pháo trận từ năm xưa vọng về”, ông Nguyễn Kim Tượng, một cựu binh chống Mỹ, nói lớn trong mưa. Ông Tượng 80 tuổi, lần đầu bắt xe từ Phú Thọ lên Điện Biên xem không khí diễu binh, đi thăm Đồi A1 cùng các di tích chiến trường. Tận hưởng không khí diễu binh hôm nay ông càng thấy tự hào về lớp cha anh, nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dàn lựu pháo kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ khai hỏa. Ảnh: Phạm Chiểu
7h40
Các sĩ quan, chiến sĩ đội mưa trong phần đầu của buổi lễ
7h30
Màn biểu diễn múa súng của lực lượng công an, quân đội
Chương trình nghệ thuật chào mừng gồm màn múa súng và một số tiết mục trống kèn do Bộ Quốc phòng và Đoàn nghệ thuật Trống hội Bộ Công an biểu diễn.
Ảnh: Giang Huy
Ảnh: Giang Huy
7h25
Trực thăng tham dự buổi diễu binh cất cánh tiến về sân vận động
Theo chương trình, các biên đội trực thăng vũ trang thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc Việt Nam diễu hành. Ảnh: Ngọc Thành
7h20
Các đội hình chuẩn bị cho giờ diễu binh
7h00
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm
Thủ tướng Phạm Minh Chính thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1. Ảnh: Ngọc Thành
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Ngọc Thành
6h50
Đội mưa chờ đoàn diễu binh
6h50, trời bắt đầu đổ mưa, tại ngã tư Hoàng Văn Thái – Võ Nguyên Giáp, người dân đội mưa cũng không rời vị trí. Ông Bùi Ngọc Sang, quê Thái Bình, một cựu binh chống Mỹ nói với những người xung quanh “Mưa cũng quyết tâm không bỏ chốt”.
Người dân đội mưa chờ xem diễu binh ở sân vận động tỉnh Điện Biên. Ảnh: Giang Huy
6h45
Người dân ngồi kín đường từ sớm
Nhiều người dân xung quanh sân vận động tỉnh Điện Biên mặc áo đỏ sao vàng và mang cờ tổ quốc chờ đón các đoàn diễu binh đi qua.
6h40
Công an, quân đội giữ trật tự cho người dân vào xem diễu binh
Người dân được điều phối đi theo từng hàng để vào sân vận động xem diễu binh.
6h30
Từ 5h, người dân trong thành phố đã đứng kín hai bên hè các tuyến đường quanh sân vận động như Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp – nơi đoàn diễu binh diễu hành sẽ đi qua. Nhiều người ở xa lo hết chỗ đã đến từ 3h sáng và “đặt gạch” để lấy suất ngồi xem cho đỡ mỏi chân. Trước diễu binh một ngày, Điện Biên đổ mưa lớn khiến không khí vùng thung lũng dịu mát.
Bà Quàng Thị Ít, 70 tuổi cùng con gái đi từ Nà Tống, huyện Điện Biên lên trung tâm thành phố từ 4h sáng. Ngày giải phóng Điện Biên, bà mới sinh, nay hân hoan khi lần đầu tiên thấy đại lễ tổ chức lớn nhất trong 70 năm qua.
Bà Quàng Thị Ít, 70 tuổi cùng con gái đi từ Nà Tống, huyện Điện Biên. Ảnh: Hoàng Phương
Đã mười năm, người dân Điện Biên lại được xem diễu binh mừng ngày chiến thắng, kể từ đại lễ kỷ niệm 60 năm hồi 2014. Ngoài người dân thành phố, đồng bào Mông, Thái từ các huyện quanh như Điện Biên, Tuần Giáo cũng đến từ sớm. Những phụ nữ người Thái mặc áo cóm, búi tóc tằng cẩu, đi thành từng nhóm, bế theo vài đứa trẻ trên tay cầm cờ đỏ sao vàng. Các cựu chiến binh tóc bạc, trên ngực treo đầy huy chương chen lẫn trong dòng người. Ai nấy đều mong chờ trông thấy đoàn diễu binh đi qua.
Trên các tuyến phố, bằng lăng nở bung tím biếc, phượng đỏ rực hòa vào màu cờ, pano. Trên vỉa hè đặt các áp phích lớn về chiến dịch Điện Biên Phủ, chủ yếu là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trai trẻ, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cài huy hiệu cho các chiến sĩ Điện Biên.
Ngã tư Hoàng Văn Thái – Võ Nguyên Giáp, nơi đoàn diễu binh sẽ rẽ về ba hướng khác nhau là khu vực tập trung đông người dân nhất. Những con đường mang tên hai vị chỉ huy tiêu biểu của chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước, tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái.
Tại khu vực này, lực lượng công an đặt barie, điều tiết giao thông, cảnh sát cơ động đứng thành hàng rào mềm giữ gìn trật tự.
Nhiều em bé cũng dậy sớm theo bố mẹ, ông bà ra đường chờ diễu binh. Ảnh: Hoàng Phương
Các tuyến đường quanh sân vận động bị cấm để phục vụ lễ diễu binh diễu hành. Tất cả phương tiện (trừ xe chở đại biểu và các loại xe ưu tiên) bị cấm di chuyển vào các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Trần Can (bờ hồ Tỉnh ủy đến sân vận động), Phan Đình Giót (cạnh UBND tỉnh đến sân vận động), Hoàng Công Chất (từ sân vận động tỉnh đến đường đôi chợ Noong Bua), Nguyễn Chí Thanh (đường 15 m), Bế Văn Đàn (qua cầu Mường Thanh), Hoàng Văn Thái, Nguyễn Phú Xuyên Khung (đi qua trường Mầm non Rainbow).
Đoàn cựu chiến binh từ Thái Bình có mặt trên đường Hoàng Văn Thái cổ vũ đoàn diễu hành đi qua. Ảnh: Ngọc Thành
6h20
Sáng nay tại Điện Biên, Lễ diễu binh, diễu hành diễn ra với sự tham gia của khoảng 12.000 người, gồm tất cả lực lượng của Quân đội, Dân quân tự vệ và Công an, các ban ngành, đoàn thể xã hội.
Đây là sự kiện chính thức và quan trọng nhất trong chuỗi các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố và đại biểu tỉnh Điện Biên khoảng 900 đại biểu.
Ngoài ra, 270 đại biểu quốc tế, phóng viên báo chí nước ngoài, trong đó có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamose Chanyalath; Phó thủ tướng Campuchia Neth Savoeun; Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cũng tham dự buổi lễ.
Cựu binh Điện Biên có mặt tại sân vận động từ sớm. Ảnh: Giang Huy.
Nguồn: https://vnexpress.net/hang-nghin-nguoi-cho-dieu-binh-duoi-mua-4742623.html