Ngày 10/02/2025, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì, UBND xã Ngũ Hiệp và UBND xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật Thủ đô năm 2024 và Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 tới cán bộ và nhân dân trên địa bàn 02 xã.
Tham dự hội nghị, về phía Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Thành viên Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) TP. Hà Nội; và gần 20 Luật sư thành viên đại diện cho nhiều tổ chức hành nghề luật sư khác nhau trên địa bàn TP. Hà Nội.
Về phía Ủy ban Mật trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì có sự tham dự của bà Bùi Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì; bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ngũ Hiệp; ông Đỗ Đăng Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Quỳnh; bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vĩnh Quỳnh với trên dưới 400 đại biểu cán bộ và nhân dân trên địa bàn 02 xã.
Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phát biểu khai mạc tại Hội trường UBND xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Luật sư Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 và Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Ông cho rằng, tuyên truyền pháp luật về chính sách phát triển Thủ đô và các quy định liên quan đến nghĩa vụ quân sự trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn 02 xã nói riêng và nhân dân Thủ đô nói chung.
Luật sư Nguyễn Văn Hà giới thiệu các nội dung chính, những điểm mới cơ bản của Luật Thủ đô năm 2024, theo đó làm nổi bật quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khi sửa đổi Luật Thủ đô.
Quang cảnh hội nghị tại Hội trường UBND xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì.
Theo đó, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024 (sau đây gọi tắt là Luật Thủ đô năm 2024). Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (trừ 05 nội dung có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.
Theo Luật sư, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta khi xây dựng và ban hành Luật Thủ đô năm 2024 là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng. Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.
Bám sát 09 nhóm chính sách trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô gồm: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính – ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế – xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô. Cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời, với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội và quy trình, thủ tục, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.
Đối với Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật sư Nguyễn Văn Hà đặc biệt nhấn mạnh các quy định về nghĩa vụ quân sự được áp dụng tại thời điểm năm 2025 để đảm bảo tính linh hoạt, năng động và cập nhật những thông tin mới trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự như tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự, các tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự, thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, thời điểm đi nghĩa vụ quân sự, các trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ quân sự…
Các Luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chụp ảnh cùng đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì, lãnh đạo UBND xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Kết thúc hội nghị, bà Bùi Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì đã phát biểu bày tỏ sự cảm ơn về hoạt động tuyên truyền pháp luật mà Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã dành cho cán bộ và toàn thể nhân dân trên địa bàn 02 xã, đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, thiết thực và mong rằng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Theo LSVN.VN