Đình công là gì?

Định nghĩa Đình công trong pháp luật lao động

Bộ luật lao động 2019 giải thích đình công tại Điều 198: “Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.”

Đình công hợp pháp

Pháp luật lao động chỉ quy định một số trường hợp mà người lao động được phép đình công. Theo đó, tại điều 199 có quy định:

“Điều 199. Trường hợp người lao động có quyền đình công

Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:

1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;

2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.”

Như vậy, nếu người lao động tự ý tổ chức đình công mà không thuộc các trường hợp quy định tại điều 199 thì sẽ bị coi là đình công bất hợp pháp.